Những mối lo khiến bà bầu phát hoảng

By admin - Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013 No Comments
1. Tôi sẽ sẩy thai.

Thực tế:

Điều lo lắng này thường xuất hiện ở những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Trong một vài tuần đầu của thai kỳ, nhiều chị em chưa biết mình có tin vui nên đã sử dụng chất kích thích hoặc dùng thuốc.
Khi thai nhi phát triển đến tuần thứ 6 - 8 thì nguy cơ sẩy thai giảm xuống chỉ còn khoảng 5%. Bởi lúc này, bác sĩ đã nghe thấy tim thai để xác định được sức khỏe ban đầu của thai nhi.

Sẽ yên tâm hơn nếu bạn đã sinh con trước đó, thì em bé sinh lần sau, nguy cơ sẩy thai chỉ rất thấp, ít hơn 3%.

Nguyên nhân gây ra sẩy thai là do xuất hiện nhiễm sắc thể bất thường nào đó, khiến bào thai không thể phát triển bình thường, việc sẩy thai không thể tránh khỏi.

Chị em cũng có thể giảm nguy cơ này bằng cách không sử dụng chất kích thích như hút thuốc, uống rượu, dùng đồ uống có caffeine.  Bà bầu cũng nên theo dõi sức khỏe thường xuyên và sẵn sàng cho quá trình mang thai trước đó.



Nguy cơ sảy thai sẽ giảm đi khi thai lớn dần. (Hình minh họa)

2. Tôi ốm nghén rất nặng, thường xuyên nôn ọe và không ăn uống được nhiều. Tôi sợ con tôi sẽ thiếu dinh dưỡng.

Thực tế:

Thai phụ thường có những đợt ốm nghén trong thời kì đầu mang thai. Lúc này cơ thể người phụ nữ đang có những thay đổi về nội tiết tố. Chị em có thể có hiện tượng buồn nôn, sợ mùi thực phẩm nên việc ăn uống trở nên khó khăn hơn thậm chí là không ăn được. Nhiều mẹ bầu đã lo lắng sợ mình không đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho em bé.

Thực tế, giai đoạn đầu này, bé mới chỉ là bào thai, bé tiếp nhận các chất dinh dưỡng dự trữ của mẹ có từ trước đó, lượng calo bé cần còn rất thấp. Mẹ bầu nên ăn nhiều bữa nhỏ chứ không nên để bụng trống rỗng, đồng thời giúp quá trình tiêu hóa của mẹ cũng dễ dàng hơn.

Nếu mẹ bầu thấy tình trạng của mình quá nghiêm trọng thì cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Họ có thể kê cho bạn thuốc chống nôn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho em bé.

Sau 3 tháng đầu, hiện tượng ốm nghén sẽ giảm dần và kết thúc, chị em sẽ cảm thấy ổn định hơn. Từ tuần 16 trở đi, em bé sẽ phát triển và tăng cân nhanh chóng, lúc này mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.

3. Tôi đã vô tình ăn một số thực phẩm khuyến cáo có hại cho thai nhi. Con tôi sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế:

Các bà mẹ trẻ ngày nay gặp quá nhiều áp lực trước những lời khuyên “nên và không nên” để trở thành một bà bầu hoàn hảo.

Nhiều mẹ bầu chỉ biết những điều cơ bản như ăn uống đủ chất hay cần uống vitamin trước khi mang thai. Nhưng họ thật sự băn khoăn trước một rừng thực phẩm đang có trên thị trường mà không biết liệu sử dụng có an toàn không?



Thận trọng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong thời gian mang thai. (Ảnh minh họa)

Nếu chị em tham gia các lớp học tiền sản thì bạn có thể trao đổi cùng bác sĩ về những băn khoăn của mình. Bên cạnh đó bạn sẽ được chỉ dẫn và có những lời khuyên bổ ích trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm cho mẹ bầu.

Không có gì cần quá lo lắng nếu chẳng may bạn đã ăn món bánh mì có phô mai chưa tiệt trùng khi mới mang thai 2 tháng. Bạn mới ăn là lượng thực phẩm cũng chưa đủ nhiều để có thể làm hại em bé. Hãy cẩn trọng hơn trong những lần sau.

4. Tâm lý của tôi quá căng thẳng có thể ảnh hưởng tới thai nhi?

Nếu mẹ bầu có một ngày làm việc quá bận rộn có thể gây căng thẳng thần kinh nhưng mọi việc sẽ lại ổn định ngay sau đó thì chuyện này không hề làm ảnh hưởng tới em bé của bạn.

Tuy nhiên nếu bạn để tình trạng stress kéo dài liên tục thì sẽ tạo những tác động tối thiểu tới thai nhi. Ngoài ra các sang chấn tâm lý như mất việc làm, mất người thân...khiến mẹ bầu căng thẳng nghiêm trọng thì có thể tạo ra nguy cơ sinh non.

Các chuyên gia nhấn mạnh đến cách ứng phó tình huống ở thai phụ lúc này. Chị em cần bình tĩnh và có sự trợ giúp từ người thân cũng như chăm sóc y tế.

5. Tôi rất sợ con tôi sẽ bị khuyết tật bẩm sinh.

Thực tế :

Nhiều chị em thấy rất bồn chồn mỗi lần đi khám và chờ đợi kết quả kết luận của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của thai nhi. Điều đó vẫn lặp lại từ tuần này đến tuần khác cho tới khi bé được sinh ra khỏe mạnh.

Nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh chiếm 4% và thường gặp là hội chứng Down hoặc những khiếm khuyết về tim, chân tay.

Thai phụ cần làm một số xét nghiệm sàng lọc trong thời gian mang thai để kiểm tra em bé vẫn đang phát triển bình thường.



Nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh khoảng 4% và thường xuất hiện hội chứng Down. (Ảnh minh họa)

Phòng hơn chống, điều đó luôn đúng. Trước và trong giai đoạn bầu bí, chị em cần bổ sung đủ axit folic, vitamin tổng hợp để giảm nguy cơ khuyết tật não và tủy sống.

Một điều cần lưu ý là mẹ bầu cũng cần cung cấp cho bác sĩ biết là lịch sử di truyền trong gia đình, nếu có các trường hợp bất thường.

6. Tôi sợ mình sẽ sinh non

Thực tế:

Ngày nay, tỷ lệ sinh non đã được giảm dần (dưới 13%). Có hơn 70% những đứa trẻ được sinh ra từ tuần 34 đến tuần 36. Khoảng thời gian này cũng đủ an toàn để tránh các biến chứng nghiêm trọng cho em bé.

Axit folic có thể ngăn ngừa một số gen lỗi gây ra hiện tượng sinh non. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên mẹ bầu có thể tránh nguy cơ này bằng cách:

-    Không sử dụng chất kích thích rượu bia, đồ uống có cồn, cà phê, hút thuốc lá.

-    Thường xuyên thăm khám định kỳ.

-    Trước và trong quá trình mang thai cần bổ sung axit folic mỗi ngày. Một nghiên cứu gần đây tiến hành trên 40.000 phụ nữ cho thấy những người dùng đều đặn vitamin một năm trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ thì có 50 – 70% ít có khả năng sinh so với những người không dùng .

Các nhà nghiên cứu cho rằng axit folic có thể ngăn ngừa một số gen bị hỏng hóc và gây ra hiện tượng sinh non.

7. Tôi sẽ không lấy được vóc dáng.

Thực tế:

Ngay sau khi sinh, bụng bầu của bạn đã biến mất. Một số cân nặng tương đối cũng biến theo nhưng chắc chắn bạn chưa thể lấy lại ngay vóc dàng như trước của mình được.

Có 14-20% phụ nữ vẫn không thể giảm cân sau khi sinh. Tuy nhiên có một số biện pháp để khắc phục tình trạng này như:

- Hạn chế số cân nặng trong thời kỳ mang bầu. Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn vào con thay vì vào mẹ. Sau khi sinh, vẫn cần duy trì 2000 calo/ngày để đảm bảo dinh dưỡng phục hồi cho mẹ và đủ nguồn sữa cho bé.

- Nuôi con bằng sữa mẹ vì việc này sẽ đốt cháy rất nhiều calo cho chị em.

- Tập thể dục trước và sau khi sinh.

- Vận động, làm việc nhà thường xuyên cũng là phương pháp hữu ích để giảm cân.

- Ngủ đủ giấc.

8.  Tôi sợ mình sẽ bị tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ.

Thực tế:

Nguy cơ để những thai phụ có chỉ số huyết áp cao biến chứng thành tiền sản giật chiếm 5 - 8%. Hiện tượng này dễ gặp hơn ở phụ nữ dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi vốn có tiền sử bị bệnh cao huyết áp.

Nếu bạn e ngại mình có nguy cơ mắc thì cần thông báo sớm với bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ ngay từ ban đầu. Một số dấu hiệu ban đầu như: phù nề tay chân, mặt, nhìn mờ, đau đầu dữ dội.

Đi thăm khám thường xuyên để kiểm tra huyết áp trong thời gian mang thai.

Đối với triệu chứng tiểu đường thai kỳ có thể gặp phải nếu cơ thể mẹ bầu không hấp thụ và chuyển hóa được lượng đường khiến nó tích tụ trong máu. Hiện tượng này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Thai phụ cần có chế độ ăn uống hợp lý. Hạn chế tiêu thụ lượng tinh bột đường trong các loại thực phẩm.

Đối với phụ nữ khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tiểu đường, cũng cần kiểm tra lượng đường glucose trong máu định kỳ giữa tuần 24 và tuần 28 của thai kỳ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.

9. " Chuyện ấy" của vợ chồng tôi sẽ khó khăn hơn khi sinh nở.

Thực tế:

Đa phần phụ nữ sau khi sinh cơ thể vẫn yếu, cần mất từ 2-3 tháng để hồi phục vùng kín của chị em nếu bạn phải khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ nếu bạn sinh mổ.

Bên cạnh đó giai đoạn của các bà mẹ thường tập trung vào trẻ sơ sinh nên ham muốn tình dục sẽ giảm bớt. Nhiều cặp vợ chồng đã thú nhận rằng: lúc này họ thèm ngủ hơn là sex trong thời kỳ chăm sóc con vất vả ban đầu.

Chuyện quan hệ vợ chồng sẽ sớm trở lại bình thường từ 4-6 tháng sau khi bạn sinh con. (Ảnh minh họa)

Trong một vài lần quan hệ đầu tiên sau thời gian sinh nở, nhiều chị em cảm thấy khó khăn vì âm đạo chưa tiết đủ chất nhờn nên họ cần sự trợ giúp của thuốc bôi trơn. Nhưng mọi chuyện sẽ sớm trở lại ban đầu.

Có gần 70% phụ nữ cho biết, 6 tháng sau khi sinh, chuyện quan hệ tình dục đều trở lại bình thường. Không những vậy, vợ chồng họ có cảm giác thăng hoa, mãn nguyện trong chuyện ấy hơn cả trước kia.

10. Tôi nghe nói lúc sinh sẽ rất đau đớn. Làm sao tôi có thể vượt qua nổi.

Thực tế:

Bạn đã rất hân hoan và vui mừng khi đi sắm đồ cho bé, chọn một cái tên thật hay và ý nghĩa dành cho con. Lúc đó bạn mong con sớm chào đời để được vui đùa cùng con yêu.

Nhưng càng gần ngày sinh, bạn đã lo lắng và đặt ra vô số câu hỏi như: Lúc sinh có lâu không? có đau không? Bạn không tưởng tượng  được chuyện gì sẽ đến với mình trong phòng sinh?

Trước tiên, bạn hãy bình tĩnh lại. Chuyện mang thai và sinh con ra là điều hiển nhiên mà tất cả phụ nữ đều phải làm và làm được.

Bản thân bạn là điển hình cho người hay lo lắng thì cần làm là hãy tâm sự và chia sẻ những suy nghĩ, sợ hãi của bạn về quá trình sinh nở sẽ diễn ra như thế nào với chính bác sĩ của mình.

Những lời khuyên thiết thực từ những người bạn tin tưởng sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn. Hãy chờ đợi giây phút diệu kỳ khi bạn thực sự ngắm nhìn thiên thần bé nhỏ của mình.

11.  Trong phòng sinh tôi sẽ bối rối không biết làm thế nào?

Thực tế:

Nhiều thai phụ đã nghe những câu chuyện xảy ra trong phòng sinh như thai phụ la hét, mắng chửi chồng, bác sĩ hoặc mình sẽ rặn ra phân trong khi sinh...

Cũng có nhiều người thì ngại ngùng khi nghĩ tới cảnh vùng kín của mình sẽ bị phơi bày trước ánh mắt của các y bác sĩ.

Việc thể hiện sự đau đớn, giận dữ trong lúc vượt cạn ở phụ nữ là chuyện hết sức bình thường. Các y bác sĩ không đánh giá phẩm chất con người bạn. Cũng đừng bối rối, xấu hổ về vấn đề thân thể. Việc đỡ đẻ an toàn mới là mục tiêu chính của họ chứ không phải việc bình phẩm về thai phụ.

Hãy thả lỏng cơ thể và để tinh thần thoải mái, tập trung hết sức để cuộc vượt cạn thành công.

12.  Tôi sợ mình sẽ phải sinh mổ khẩn cấp

Thực tế:

1/3 trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh mổ. Rất nhiều các ca sinh mổ là do được bác sĩ chỉ định từ trước đó với những lý do như: em bé chưa quay đầu, ngôi thai chưa chuẩn, có vấn đề về nhau thai hoặc trước đó thai phụ đã sinh mổ.

Những trường hợp sinh mổ khẩn cấp không quá phổ biến. Nếu bạn đã gần ngày dự sinh thì có thể thăm khám liên tục hoặc nhập viện sớm để được theo dõi cẩn thận.

13.  Làm sao tôi có thể đến bệnh viện kịp khi đau đẻ?

Thực tế:

Thỉnh thoảng bạn đọc những thông tin trên báo, đài rằng ở đâu đó có một thai phụ đã sinh con trên xe taxi và tài xế taxi trở thành bác sĩ sản khoa.

Sự thật là, từ lúc bạn có cơn đau đẻ đến khi sinh bé sẽ mất 12,5 -21,5 giờ. Bạn hoàn toàn có đủ thời gian để tới bệnh viện gần nhất.

Cẩn thận hơn, gia đình cần kiểm tra thời gian từ nhà mình đến bệnh viện sẽ mất bao lâu để có những sắp xếp hợp lý.

14.  Tôi sợ mình không phải là một bà mẹ khéo léo.

Thực tế:

Bạn biết rõ nhất mình là người như thế nào và mình có khả năng làm được gì. Dù bạn lo lắng không biết khi con sinh ra, bạn sẽ phải chăm sóc và dạy dỗ con như thế nào là tốt nhất.

Mọi việc không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Thời gian và sự nỗ lực cũng như sự trợ giúp của các thành viên khác trong gia đình sẽ giúp bạn tự tin hơn trong vai trò làm mẹ.

Quan trọng hơn, khi bạn biết lo sợ và băn khoăn về việc liệu mình có trở thành một bà mẹ tốt hay không thì Eva tin bạn sẽ biết cách để làm điều đó thật tốt.

Nguồn : trung tâm gia sư

Tags:

No Comment to " Những mối lo khiến bà bầu phát hoảng "