Suy dinh dưỡng ở trẻ lỗi do người lớn

By admin - Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012 No Comments
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi trong nhiều năm qua tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đáng lo hơn, tỷ lệ trẻ bị béo phì ngày càng gia tăng, nhất là ở thành thị. Đây đang là nỗi lo của các gia đình cũng như ngành y tế, dân số.

Con nhà giàu vẫn suy dinh dưỡng
Chế độ ăn bổ sung chưa đúng là một nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ.

Dù sinh ra trong gia đình khá giả, được chăm sóc rất kỹ lưỡng, ăn đủ các món giàu dinh dưỡng nhưng bé Măng con chị Nguyễn Thùy Liên (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) vẫn bị SDD. Khi sinh ra, bé Măng được 3,7 kg, đến nay đã 2 tuổi nhưng trông bé gầy, yếu ớt.
Nói chuyện về con, chị Liên thổ lộ: "Không hiểu sao con ăn uống không thiếu thứ gì mà vẫn không chịu lớn. Thời gian gần đây lại không chịu ăn, cho bất cứ thứ gì vào miệng, bé đều chực nhè ra. Mỗi bữa ăn là nỗi kinh hoàng của bé cũng như sự vất vả của cả gia đình".
Trước sự lười ăn của con, chị phải nhờ cậy tới đủ các loại thuốc chống biếng ăn, men tiêu hóa nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.Khác với bé Măng, cu Tít con anh Vũ Đình Luân (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) lúc nào cũng tỏ ra thèm ăn. Hơn 3 tuổi, nhưng mỗi bữa bé ăn 2 bát cơm và có thể ăn hết gần nửa con gà 1kg, buổi sáng bé có thể ăn hơn một bát phở.
Ngoài ra, trong một ngày bé còn ăn đủ các loại chocolate, bánh ngọt, snack, hamburger… Thấy bé lớn nhanh bất thường, hơn 3 tuổi nhưng nặng 30kg, vợ chồng anh Luân đưa con đến khám tại Viện Dinh dưỡng, bác sĩ kết luận bé bị SDD thể béo phì.
Trường hợp như bé Măng, cu Tít được bố mẹ đưa đến khám tại Viện Dinh dưỡng quốc gia không ít. Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bên cạnh số trẻ bị thiếu cân, còi cọc đến khám thì số trẻ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh.
Thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy, sau 10 năm, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm 14% nhưng vẫn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ SDD thể thấp còi trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng béo phì lại vượt 0,6% so với chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010, trong đó tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở thành phố lên tới 6,5% (cao hơn mức trung bình 1,5%). Trong đó, tỷ lệ bệnh béo phì là 2,8%.
Sai lầm trong cách chăm trẻ
Về tình trạng trẻ SDD, BS Lê Thị Hải chỉ rõ, nhiều gia đình sai lầm trong cách chăm con. Có những bà mẹ cho con ăn dưới dạng nước thịt, nước xương hầm mà không cho ăn cái sợ trẻ hóc và vì cho rằng nước này bổ, có nhiều canxi giúp trẻ cứng xương. Điều này không đúng vì các loại nước xương, nước thịt hầm có ít prôtêin và ít canxi (canxi không hòa tan trong nước).
Nếu khẩu phần của trẻ thường xuyên thiếu chất dinh dưỡng, thiếu canxi, nhất là vitamin và các khoáng chất sẽ dẫn đến trẻ bị còi cọc, chậm lớn… Ngược lại, nhiều gia đình lại kiêng khem quá cũng làm trẻ thiếu chất, SDD.Đối với trẻ béo phì, theo BS Hải, chế độ ăn phải đảm bảo nguyên tắc là quen thuộc với trẻ, được trẻ chấp nhận, không bỏ đói trẻ, cung cấp đầy đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Cho trẻ ăn nhiều hơn vào bữa sáng và giảm dần về chiều tối, bữa ăn tối nên cách xa giờ đi ngủ, tránh ăn vặt. Lựa chọn các thức ăn ít năng lượng như thịt nạc, cá, đậu hũ, rau, trái cây ít ngọt, khoai củ, tránh các loại thức ăn cao năng lượng như thức ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, da hay lòng động vật.
Ngoài ra, hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn ngọt như chè, bánh kem, nước ngọt... Sữa vẫn là thức ăn tốt cho tất cả trẻ em ngay cả trẻ béo phì. Tùy theo độ tuổi và mức độ béo phì của trẻ mà chọn cho trẻ uống sữa toàn phần, sữa tách bơ một phần hay sữa tách bơ hoàn toàn.Bên cạnh đó, việc gia tăng các hoạt động thể lực là hết sức cần thiết, đem đến hiệu quả đáng chú ý cả về thể chất lẫn tâm lý.
Trẻ có thể vận động mọi lúc, mọi nơi chứ không phải chỉ vận động trong một số giờ tập thể dục thể thao nào đó.

No Comment to " Suy dinh dưỡng ở trẻ lỗi do người lớn "