PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho biết thời điểm này, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 200 bệnh nhân đến khám, có đêm có tới gần 100 cháu đến khám, nhập viện vì ốm.
Chủ yếu các cháu đều dưới 5 tuổi, mắc nhiều bệnh khác nhau nhưng nhiều nhất là viêm phổi, viêm đường hô hấp.
Bệnh nhi nằm phòng cấp cứu - Khoa Nhi, BV Bạch Mai |
Nguyên nhân được ông Dũng lý giải là do thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí quá cao (trên 90%) là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm ở mức cao (có thời điểm lên tới 10 độ) khiến nhiều trẻ không thích nghi kịp, sinh ốm, quấy khóc.
Trong các buồng bệnh của khoa, nhiều trẻ em khóc ngằn ngặt vì phải thở khí rung, bị tiêm kháng sinh, phải uống thuốc.
Một cháu bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc nhập viện đã 3 ngày nay vì bị sốt, viêm họng, viêm phổi nặng. Ngay bên cạnh là một cháu 18 tháng cũng viêm đường hô hấp cấp vì nhiễm lạnh.
PGS.TS Dũng cho biết có nhiều gia đình mắc sai lầm cơ bản trong các chăm sóc con cái, đặc biệt là trẻ nhỏ.
“Cứ 10 người vào viện thì 9 người tự ý cho con uống kháng sinh trước ở nhà. Họ nghĩ cứ viêm họng là phải kháng sinh và dùng kháng sinh sẽ khỏi. Điều đó không đúng”, ông Dũng nói.
Có nhiều trường hợp tự ý sử dụng kháng sinh đã gây hậu quả cho trẻ như dị ứng, kháng thuốc (dùng không đủ liều), ngộ độc (vì quá liều)…
Nhiều trẻ bị tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy, loạn khuẩn đường ruột khiến các cháu ăn uống càng kém, càng quấy khóc.
Đó là chưa kể đến chuyện nhiều phụ huynh cho con mặc áo quần quá nhiều khiến mồ hôi toát ra, thấm vào quần áo gây ướt, lạnh rồi thấm ngược vào trẻ, khiến trẻ bị sốt.
Đặc biệt là loại áo liền quần thít vào ngực trẻ gây khó thở. Nhiều cháu vệ sinh rất kém do cha mẹ sợ con sốt nên không tắm giặt, lau rửa cho con, vv …
Do đó, bác sỹ Dũng khuyến cáo: Khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt cần theo dõi chặt. Nếu trẻ sốt hơn 38,5 độ thì cho uống hạ sốt, nới rộng quần áo, cho trẻ uống nhiều nước.
Nếu bé khó thở cần vén ngực xem có bị co lõm khi thở hay không. Nếu có nghĩa là có dấu hiệu nghi bị viêm phổi, cần cho trẻ đi khám ngay.
Ngoài ra, nếu trẻ co giật, tím tái, sốt cao, bỏ bú, quá mệt thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám. Thầy thuốc sẽ đưa ra cách xử trí tiếp theo.
Cha mẹ cần làm sạch mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý, mua máy hút mũi hoặc tự hút mũi cho con.
Cho con ăn uống bình thường, nếu ho thì cho uống thuốc ho (tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh).
No Comment to " Thời tiết thất thường, trẻ ốm hàng loạt "